Tự kỷ bẩm sinh

Tự kỷ bẩm sinh là hội chứng bẩm sinh chưa rõ nguyên nhân chính xác nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ, đặc biệt là trong quá trình mang thai người mẹ có các vấn đề về sức khỏe. Cùng tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố dẫn đến hội chứng tự kỷ, dấu hiệu nhận biết và điều trị nhé!

1. Tự kỷ bẩm sinh là gì?

Tự kỷ là hội chứng rối loạn phát triển bẩm sinh, có tên khoa học là Autism Spectrum Disorders, viết tắt ASD. Trong ba năm đầu đời là thời điểm phổ biến phát hiện ra hội chứng này, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Cụ thể là hành vi, trí tuệ, giao tiếp cũng như sự thích nghi không như những trẻ cùng trang lứa.

2. Nguyên nhân gây nên tự kỷ bẩm sinh ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ là vấn đề còn nhiều tranh cãi và chưa có câu trả lời cuối cùng, các bằng chứng khoa học đã khẳng định rằng cách nuôi dạy của cha mẹ không phải là nguyên nhân dẫn đến tự kỷ, cũng như đã loại trừ giả thuyết có mối liên hệ giữa vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella (MMR) với tự kỷ.

Một số yếu tố đã và đang được đưa ra bàn luận như sau:

2.1. Gen và di truyền học

Hội chứng tự kỷ có liên quan tới đột biến gen, đa gen polygenic, cùng với hàng trăm các gen khác góp phần nhỏ tới nguy cơ mắc tự kỷ.

Mặc dù các nhà khoa học thành công trong việc tìm ra các gen có liên quan tới tự kỷ, Ví dụ: Hội chứng nhiễm sắc thể X mỏng manh (Fragile X) và Xơ cứng củ (Tuberous sclerosis). Nhưng chưa thể tìm ra những gen hay tổ hợp gen cụ thể để dẫn đến tự kỷ, tuy nhiên đây vẫn là một yếu tố hàng đầu trong các nghiên cứu.

Các thống kê cho thấy, nếu có một trẻ tự kỷ trong một cặp sinh đôi cùng trứng, đứa trẻ còn lại cũng có nguy cơ tự kỷ rất cao. Trong một gia đình có anh chị em ruột bị tự kỷ, trẻ còn lại có nguy cơ mắc các rối loạn phát triển cao gấp 35 lần.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng trẻ có nguy cơ cao không có nghĩa là trẻ chắc chắn sẽ bị tự kỷ.

2.2. Môi trường trước khi sinh đẻ

Trong quá trình mang thai, người mẹ thường xuyên hít phải những chất ô nhiễm, sống gần môi trường độc hại chẳng hạn như thuốc lá, mùi đốt rác… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể góp phần tăng nguy cơ tự kỷ bao gồm: tiền sử tiếp xúc với chất độc, người mẹ có bệnh sởi, bệnh tiểu đường, các biến chứng trong khi sinh hoặc mang thai, và trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh thấp.

Tuy nhiên, yếu tố môi trường được nhiều nhà khoa học nhận xét là góp phần rất nhỏ vào nguy cơ mắc tự kỷ.

Mẹ bầu bị tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ
Mẹ bầu bị tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ

2.3. Các tác động trong thai kỳ

2.3.1. Dùng thuốc trong thai kỳ

Mẹ bầu sử dụng thuốc an thần, trị dạ dày, viêm khớp… cũng được coi là yếu tố ảnh hưởng tới phát triển của thai nhi, có nguy cơ gây ra tự kỷ ở trẻ. Thế nên bạn cần sử dụng thuốc theo đơn, liều lượng của bác sĩ đưa ra trong suốt thời gian mang thai.

2.3.2. Tuổi mang thai của người mẹ cao

Nếu người mẹ sinh con ở tuổi 40 hay trên 40 thì khả năng trẻ tự kỷ sẽ cao hơn bà mẹ sinh sau tuổi 20. Chính vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến và tư vấn của bác sĩ để có quá trình thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.

2.3.3. Thuốc trừ sâu, hóa chất, kim loại nặng

Môi trường nhiều hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cũng ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi và nguy cơ rối loạn phát triển cho trẻ về sau. Thế nên bạn cần hạn chế tiếp xúc với những chất này khi mang thai.

2.3.4. Rối loạn tuyến giáp

Giai đoạn thai kỳ phụ nữ mang thai bị bệnh tuyến giáp dẫn đến thiếu hoocmon tyroxin, dẫn đến những thay đổi bên trong não của thai nhi.

2.3.5. Căng thẳng trong thai kỳ

Người mẹ bị căng thẳng, stress trong quá trình mang thai cũng sẽ tác động đến tâm lý và trí não của con. Điều này làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ ở trẻ em.

Căng thẳng mệt mỏi trong giai đoạn thai kỳ của mẹ cũng có thể là yếu tố gây tự kỷ ở bé
Căng thẳng mệt mỏi trong giai đoạn thai kỳ của mẹ cũng có thể là yếu tố gây tự kỷ ở bé

3. Dấu hiệu của tự kỷ bẩm sinh ở trẻ em

3.1. Biểu hiện của tự kỷ bẩm sinh trong giao tiếp và ngôn ngữ

Trẻ bị tự kỷ bẩm sinh sẽ có biểu hiện là trẻ chậm nói hay phát âm không có nghĩa. Ngôn ngữ rất thụ động, không biết đặt câu hỏi mà chỉ nhại lại lời của bố mẹ hay người xung quanh. Hơn nữa giọng của trẻ thiếu diễn cảm, nói ngọng, nhanh và ríu lời, nói rất to…

3.2. Dấu hiệu của tự kỷ trong hành vi

Trẻ tự kỷ có những dấu hiệu bất thường về hành vi cụ thể là thích quay tròn người, lắc lư, chạy vòng quanh nhà và nhảy lên cao. Đôi khi bé ngồi đúng vị trí riêng của mình, mặc đúng bộ quần áo yêu thích và làm việc theo trình tự nhất định.

Triệu chứng về hành vi của bé khi bị tự kỷ

3.3. Dấu hiệu trong việc tương tác xã hội

Trong tương tác với xã hội trẻ không để ý đến thái độ của người khác mà chỉ làm theo ý thích của mình. Hơn nữa, bé có xu hướng ít giao tiếp, thiếu chia sẻ, sợ người lạ và kéo tay người khác khi cần chứ không chịu nói.

3.4. Biểu hiện trí tuệ của trẻ tự kỷ bẩm sinh

Thông thường trẻ tự kỷ sẽ chậm phát triển so với bạn bè cùng trang lứa, một số trường hợp khác lại có khả năng đặc biệt và trí nhớ tốt như nhớ các đồ vật, làm tính giỏi, nhiều thiên tài “siêu trí tuệ” nổi tiếng trên thế giới mắc tự kỷ như: Albert Einstein, Isaac Newton hay Michelangelo…Có rất nhiều cha mẹ hiểu đơn thuần rằng con quá thông minh khi trẻ có các biểu hiện này. Chính vì thế mà bạn nên cho con đi khám sức khỏe tổng quát khi có biểu hiện lạ.

3.5. Rối loạn trong tính cách, sở thích

Tự kỷ ở trẻ em còn biểu hiện rõ trong tính cách đó là biểu hiện tăng động, phản ứng nguy hiểm với những gì không vừa ý. Bên cạnh đó sở thích của bé là ngồi một mình nhìn tay chân, đồ vật, xem tivi, quảng cáo rất nhiều giờ.

Trẻ bị rối loạn về sở thích và tính cách
Trẻ bị rối loạn về sở thích và tính cách

4. Điều trị tự kỷ bẩm sinh

Hiện nay, tự kỷ vẫn chưa có phương pháp điều trị, hội chứng này sẽ tồn tại suốt đời, nên sau khi đã được bác sĩ chẩn đoán bạn hãy đưa bé đến trung tâm giáo dục đặc biệt để được can thiệp. Đây chính là phương pháp giúp bé hòa nhập với cộng đồng và phát triển tốt hơn.

Các phương pháp can thiệp tự kỷ phổ biến

  • Phân tích và can thiệp hành vi
  • Âm ngữ trị liệu
  • Hướng dẫn kỹ năng xã hội
  • Liệu pháp tích hợp giác quan
Nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra nếu có các dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ
Nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra nếu có các dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ

Bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra nếu bé có các dấu hiệu khi 12 tháng vẫn không nói bập bẹ hay các giao tiếp, cử chỉ khi có người nói chuyện không bình thường. Dấu hiệu tiếp theo là bé đã được 16 tháng nhưng chưa thể nói được từ đơn và khi 2 tuổi không nói rõ từ. Trẻ mất kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội trong mọi lứa tuổi.

Khi chơi với bé nên phối hợp hành động để giác quan trẻ phát triển
Nỗ lực của cha mẹ sẽ giúp trẻ tự kỷ hoà nhập với cộng đồng

Tự kỷ bẩm sinh ở trẻ có thể xảy ra nếu trong quá trình mang thai mẹ bị ảnh hưởng bởi những tác động cả chủ quan và khách quan gây ra. Vì vậy, mẹ bầu nên chủ động tìm hiểu các kiến thức tự chăm sóc tốt nhất cho bản thân và con yêu trong bụng, đồng thời mẹ bầu cần giữ cho tinh thần vui vẻ, thoải mái, thực hiện giảm stress khi mang thai hiệu quả.

Bên cạnh đó, các mẹ nên lựa chọn sử dụng các gói thai sản trọn gói chất lượng tốt để luôn được đảm bảo về sức khỏe trong suốt thai kỳ cũng như được tham gia các lớp học về thai sản, nhận tư vấn hữu ích từ các bác sĩ theo tình trạng của bản thân.

Tài liệu tham khảo:
Autism Spectrum Disorder
Wendy Chung | TED2014 Autism — what we know (and what we don’t know yet)