Tivi và điện thoại – Những “vú em” khiến trẻ chậm nói

Mới đây Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đã phải đưa ra thông cáo: Trẻ xem truyền hình và điện thoại quá nhiều gây chậm nói, nói nhanh, nói lắp.

TV và điện thoại không phải là nguyên nhân chính gây rối loạn ngôn ngữ, nhưng góp phần gia tăng và làm nặng thêm tình trạng này đối với trẻ em. Cha mẹ và cô giáo bận làm việc nên truyền hình và điện thoại được sử dụng cho trẻ như một người vú nuôi. Tuy nhiên, truyền hình và điện thoại không thể thay thế việc đọc hoặc chơi, vốn rất cần thiết cho lứa tuổi này.
Chị Huỳnh Mai Lộc, mẹ bé cho hay, để cho bé dễ ăn, gia đình cho xem TV và các chương trình trên điện thoại từ lúc 2 tháng tuổi đến bây giờ. Khi bé được 12 tháng, giao bé cho người giúp việc trông coi. Vợ chồng chị bận rộn cả ngày nên ít khi có thời gian chơi cùng con. Đến khi thấy một đứa trẻ cùng tuổi con mình đã biết nói khá sõi, ứng xử lanh lẹ, vợ chồng chị mới hốt hoảng đưa con đến BV Nhi

Chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường (BV Nhi Đồng 2) cho hay:

“Truyền hình, đặc biệt là các chương trình quảng cáo ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, nhất là trong giai đoạn từ vài tháng tuổi đến 3 tuổi, khi trẻ đang học nói. Hầu hết các chương trình quảng cáo đều có tiết tấu rộn rã, nói nhanh nên trẻ xem có thể nghe không hiểu hoặc khi nói bị ảnh hưởng như nói nhanh, nói lắp từ này chồng lên từ kia, nói mà không biết đang nói gì, những hiệu ứng rất mạnh, gây ấn tượng về âm thanh, hình ảnh, màu sắc nên dễ đi vào tâm thức các em như là một “yêu sách” để làm những việc khác như ăn, học, hay bất cứ việc mà bố mẹ yêu cầu.
Do các ông bố, bà mẹ quá bận rộn, không có nhiều thời gian chăm sóc con cái nên thường lạm dụng các thiết bị điện tử quá nhiều: Dỗ ăn, dỗ khóc… đến cả việc để cho trẻ ngồi yên để người lớn làm việc. Nên hạn chế trẻ xem các chương trình quảng cáo.”

Trẻ chậm nói vì thiếu giao tiếp

Trong xã hội hiện đại, nhiều vị cha mẹ bận công tác ngoài xã hội và trẻ thường được người giúp việc hoặc người giữ trẻ chăm sóc suốt ngày. Lúc này, điều quan trọng là sự tương tác giữa người chăm sóc và trẻ.

Có khoảng 40% trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến khám tại BV Nhi Đồng 1 vì lý do chậm nói. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm nói ở trẻ được ghi nhận là hầu hết các trẻ được tiếp xúc với truyền hình và điện thoại rất sớm và thời gian xem truyền hình và điện thoại không được giới hạn. Theo khảo sát của đơn vị tâm lý BV Nhi Đồng 1, gần 100% trẻ từ vài tháng tuổi đã được tiếp cận với màn ảnh truyền hình nhiều hơn giao tiếp với những người thân. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị tâm lý, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu thiết lập các kỹ năng và các mối quan hệ xã hội thông qua sự giao tiếp. Khi được hỏi về sinh hoạt giải trí của trẻ, cha mẹ thường cho biết là trẻ đã từng được xem truyền hình từ vài tháng tuổi, nhất là phần quảng cáo.

Cháu P.K.N (quận 2, TP.HCM) 17 tháng tuổi, cũng được gia đình cho xem TV từ nhỏ, và đặc biệt bé rất “nghiện” các chương trình quảng cáo. “Phải có quảng cáo bé mới chịu ăn cơm. Nếu giờ đó ti vi không có quảng cáo, tôi phải mở các băng đĩa quảng cáo ra để…dụ bé ăn”, anh Phạm Hải Hoàng, bố cháu K.N kể.

Hầu hết nhiều bậc phụ huynh hiểu sai rằng truyền hình là một phương tiện giúp trẻ ăn đối với những trẻ khó ăn. Khi trẻ biết đi, biết chạy, thì cha mẹ dùng truyền hình để giảm sự hiếu động của trẻ. Ngoài gia đình, trẻ cũng được xem truyền hình tại nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo để cô giáo có thể làm việc khác. Việc chậm nói ở những trẻ xem truyền hình quá nhiều là do thiếu kích thích khi trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu giao tiếp bằng lời nói.

Không nên dùng truyền hình như một dụng cụ thay thế cho cha mẹ

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, không nên dùng truyền hình như một dụng cụ thay thế cho cha mẹ, thầy cô, người nuôi trẻ. Quảng cáo và phim hoạt hình cũng gây lệch lạc, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo là trẻ trên 2 tuổi chỉ xem truyền hình không quá 2 giờ mỗi ngày và trẻ dưới 2 tuổi không được khuyến khích xem truyền hình.

Đối với trẻ trên 2 tuổi, truyền hình có thể là một công cụ giúp trẻ phát triển với điều kiện phụ huynh hiện diện bên cạnh trẻ và đối thoại với trẻ. Ngay trong phim hoạt hình, trẻ chịu ảnh hưởng của bạo lực qua những màn đấm đá, giết hại nhau với tần suất khoảng 20 lần mỗi giờ. Trẻ xem những hình ảnh bạo lực qua truyền hình nhiều giờ trong tuần sẽ có những hành vi bạo lực như đánh, đấm, cắn cha mẹ, anh chị em, bạn bè.

Truyền hình còn giới thiệu những hình ảnh khơi dục, rượu, thuốc lá trong những phim dành cho người lớn. Còn với những hình ảnh quảng cáo thực phẩm hay bia rượu, trẻ có khuynh hướng cho rằng những thực phẩm được quảng cáo tốt cho sức khỏe và không quan tâm đến tầm quan trọng của rau quả trong chế độ ăn.

Trẻ xem truyền hình nhiều sẽ ít vận động thể chất, dễ tăng cân dẫn đến tình trạng béo phì. Trẻ cần chơi cách sáng tạo để phát triển giao tiếp xã hội. Truyền hình cũng ảnh hưởng đến thị lực của trẻ nếu trẻ tập trung nhìn màn hình trong thời gian kéo dài.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh chia sẻ thêm, người chăm sóc trẻ nên giúp trẻ thực hiện đầy đủ những sinh hoạt thường ngày tại nhà như: tắm rửa, thay quần áo, đi vệ sinh, ăn uống, nghe nhạc, đọc sách. Cha mẹ đừng vội cho trẻ học ngoại ngữ quá sớm trước khi trẻ nói rành tiếng mẹ đẻ.

Cha mẹ nên chọn lọc chương trình truyền hình phù hợp với lứa tuổi của trẻ và nên tắt truyền hình khi đã hết chương trình dành cho trẻ nhỏ. Cha mẹ cũng nên làm gương cho trẻ bằng cách tự giới hạn thời gian xem truyền hình. Đừng sử dụng truyền hình như một phần thưởng hoặc cấm xem như một hình phạt. Khi cùng xem quảng cáo với trẻ, cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu những thực phẩm nào có lợi cho sức khỏe. Gần 60% trẻ chậm nói do xem truyền hình một mình Tại Thái Lan, có một nghiên cứu bao gồm 110 trẻ chậm nói và 110 trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường trong lứa tuổi từ 15 đến 48 tháng.

Sau khi đã loại bỏ những trẻ chậm nói do các bệnh lý như rối loạn tự kỷ, bệnh lý di truyền, vấn đề thính lực, bại não, rối loạn thần kinh, chậm phát triển tâm thần toàn diện đã ghi nhận có 56 trẻ chậm nói vì những tác động của truyền hình, chiếm hơn 50%. Đặc biệt, những trẻ này thiếu sự tương tác với người nuôi trong lúc trẻ xem truyền hình, trẻ xem truyền hình trước 12 tháng tuổi, thời gian xem truyền hình hơn 2 giờ mỗi ngày và tập trung nhiều hơn ở bé trai. Ngoài ra, còn có thêm yếu tố là trẻ xem chương trình truyền hình của người lớn.

Riêng các trẻ bắt đầu xem truyền hình trước 12 tháng tuổi và thời gian xem hơn 2 giờ mỗi ngày có nguy cơ chậm nói gấp 6 lần. Trong nghiên cứu trên, gần 60% trẻ chậm nói do được xem truyền hình một mình  Các trẻ này có nguy cơ chậm nói gấp hơn 8 lần so với các trẻ được giao tiếp với người chăm sóc trong lúc xem truyền hình.

Hiện nay, nhiều cha mẹ sai lầm khi sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad để làm trò chơi cho các bé. Nghiên cứu của giáo sư, bác sĩ O’Connor, đại học Birmingham (Anh) thực hiện với 300 bé từ 4 tháng đến 3 tuổi đã cho thấy, các bé vài tháng tuổi (5-6 tháng tuổi) có thể bắt đầu nghiện thiết bị điện tử cầm tay (điện thoại hay ipad), dù chỉ một lần chạm hoặc chơi. Hành vi này bao gồm: các bé dí mắt không ngừng vào thiết bị, bé khóc và đòi khi bị lấy thiết bị ra khỏi tay hay tầm mắt, thậm chí các bé lớn hơn còn chủ động đi tìm hoặc yêu cầu cha mẹ lấy cho bé. Sau một tuổi, 70% cha mẹ bất lực khi muốn bỏ điện thoại ra khỏi bé. Giáo sư O’Connor cho biết, các bé trai dễ nghiện hơn các bé gái.Cảnh báo tác hại khủng khiếp khi cho trẻ dùng điện thoại, ipad

Đăng ký theo dõi
Thông báo về

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem toàn bộ bình luận