Dinh dưỡng cho trẻ em

Tầm quan trọng của dinh dưỡng cho trẻ em?
Nuôi con là một hành trình dài với rất nhiều khó khăn mà các ông bố bà mẹ đều phải trải qua. Để con được khôn lớn, khỏe mạnh không những chỉ cần đáp ứng nguồn dinh dưỡng tốt mà còn phải phù hợp nhu cầu theo từng lứa tuổi. Dinh dưỡng góp phần vào sinh trưởng, triển thể chất và trí tuệ cho trẻ. Nếu dinh dưỡng cho trẻ không phù hợp theo từng giai đoạn phát triển trẻ sẽ có những rối loạn về sức khỏe. Không những thế,nếu trẻ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc và khả năng lao động đến tuổi trưởng thành.
Dinh dưỡng các lứa tuổi cho trẻ em
Quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ được chia thành các thời kỳ quan trọng như sau: sơ sinh, nhũ nhi, răng sữa, thiếu nhi, dậy thì. Đây là một quá trình nhịp nhàng, hài hòa, gắn liền với những thay đổi mang tính liên tục và gián đoạn. Mỗi giai đoạn phát triển trẻ sẽ có những đặc điểm khác nhau, giai đoạn trước sẽ chuẩn bị cho giai đoạn sau. Do đó nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em cũng thay đổi theo từng lứa tuổi của trẻ.
Dinh dưỡng cho trẻ em dưới 1 tuổi cần lưu ý gì?
Thời kỳ sơ sinh là 1 tháng đầu tiên từ khi bé chào đời. Đây là giai đoạn chuyển tiếp rõ rệt về sinh lý. Ngay sau sinh trẻ cần một năng lượng cần thiết cho hoạt động thích nghi, sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng nhất, gồm nhiều dưỡng chất và kháng thể IgA giúp trẻ chống lại tình trạng nhiễm trùng. Giai đoạn này những nhu cầu của trẻ thường cấp thiết và diễn ra liên tục và không được thể hiện rõ nên bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho trẻ, tiếp xúc da kề da ngay sau sinh giúp tăng tỉ lệ bú mẹ, duy trì tình cảm mẹ-con, thuận lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Thời kỳ nhũ nhi, từ khi trẻ được 2 tháng đến 12 tháng tuổi. Giai đoạn này, trẻ thích nghi hơn với môi trường bên ngoài, biết cầm nắm, biết lật, biết bò, biết ngồi, biết đi, bập bẹ nói,…sự tăng trưởng và phát triển cũng diễn ra rất mạnh mẽ. Chính vì vậy nhu cầu năng lượng cũng ngày càng tăng nên sau 6 tháng tuổi, sữa mẹ không còn cung cấp đủ, trẻ cần tập ăn dặm với đầy đủ thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, do chức năng tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa nên chú ý lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh và cân bằng hệ vi sinh đường ruột cho trẻ.
Dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 đến 3 tuổi
1-3 tuổi là giai đoạn quan trọng trong 1000 ngày vàng đầu đời của trẻ. Chức năng của các hệ cơ quan như tiêu hóa, não bộ bắt đầu hoàn chỉnh. Trẻ nhận thức hơn, vận động tốt hơn, có thể tự đi đứng, chạy nhảy, thích khám phá môi trường xung quanh và không ngừng học hỏi. Vì vậy, trong thời kỳ này, cần cung cấp những nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng và đặc biệt chú ý những thực phẩm hỗ trợ phát triển trí não cho trẻ.
Bổ sung chất dinh dưỡng cho Trẻ từ 1 đến 3 tuổi:
Ở giai đoạn này, nhu cầu năng lượng của trẻ khoảng 100 kcal/kg/ngày với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như:

  • Đạm cần bổ sung mỗi ngày khoảng 2,5 – 3 g/kg và lượng đạm có giá trị dinh dưỡng cao từ động vật nên chiếm hơn 50%.
  • Chất béo chiếm khoảng 35 – 40% tổng năng lượng khẩu phần ăn, thực phẩm giàu Omega 3, Omega 6 giúp phát triển trí não.
  • Tinh bột, đường chiếm 45 – 50% nhu cầu năng lượng của cơ thể.
  • Nhu cầu canxi: 500mg/ngày, rất cần thiết cho tăng trưởng hệ xương khớp
  • Nhu cầu vitamin D: 600UI/ngày, tăng cường hệ miễn dịch, đưa canxi vào xương, phát triển xương.
  • Nhu cầu vitamin A: 400 mcg/ngày, hỗ trợ phát triển thị giác,
  • Nhu cầu vitamin C: 30mg/ngày, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch

Dinh dưỡng cho trẻ em trên 4 tuổi
Từ 4 tuổi, trẻ bước vào giai đoạn mẫu giáo và thiếu nhi. Trong giai đoạn này, trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường xã hội, thích sống tập thể, khả năng giao tiếp tiến bộ đáng kể, trẻ dần tách khỏi bố mẹ, ham tìm hiểu thông qua các hoạt động quan sát và chơi các trò chơi. Nhưng cũng vì ham chơi, nên vấn đề trẻ chán ăn, biếng ăn, ăn đơn điệu thường gặp trong lứa tuổi này. Vì thế phụ huynh cần lưu ý, xây dựng thực đơn phong phú các dạng chế biến và đầy đủ dinh dưỡng để duy trì sự tăng trưởng của trẻ. Bên cạnh đó, do trẻ hoạt động nhiều hơn nên thân hình sẽ không còn bụ bẫm như trước, sẽ khiến bố mẹ quá lo lắng, thúc ép con hay sử dụng thuốc bổ kích thích con ăn uống nhiều hơn. Điều này, đôi khi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nếu sử dụng những sản phẩm không tốt hay gây stress tâm lý khiến trẻ sợ ăn và có thể tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Nhóm thực phẩm cần bổ sung cho trẻ trên 4 tuổi:

  • Chất bột đường: nhu cầu trung bình hàng ngày nên chiếm khoảng 55-60% năng lượng khẩu phần ăn, gồm gạo lứt, gạo, nếp, bánh mì, khoai lang, khoai tây,…
  • Chất béo: mỗi gam chất béo cung cấp 9 kcal, những thực phẩm giàu chất béo (thịt mỡ, da động vật,
  • Đạm: nhu cầu đạm nên chiếm khoảng 15% năng lượng khẩu phần ăn, ưu tiên đạm có giá trị sinh học cao từ thịt, trứng, sữa,… Như: ức gà, thịt cốt lết, thịt thăn bò, trứng gà, sữa tươi, sữa công thức và các sản phẩm từ sữa…
  • Các vitamin và khoáng chất:

Nhu cầu canxi: 600mg/ngày, có trong tôm, cua, trứng, sữa,…
Nhu cầu phospho: 500mg/ngày, từ tạng động vật, sữa, đậu, các loại ngũ cốc,,…
Nhu cầu natri: 1.2 g/ngày
Nhu cầu vitamin D: 600UI/ngày, các thực phẩm như trứng, cá trích, cá hồi, hào,…
Nhu cầu vitamin E: 10-11UI/ngày, có nhiều trong rau bina, bơ, cá hồi, bông cải xanh
Nhu cầu vitamin A: 450 mcg/ngày, cà chua, ớt chuông, bí ngô, gan động vật,…
Dinh dưỡng cho trẻ em tiền dậy thì và dậy thì

Từ 12-16 tuổi là giai đoạn các tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động, có những thay đổi lớn về tâm sinh lý, chuyển tiếp về mặt sinh học từ trẻ nhỏ sang người trưởng thành. Các yếu tố giới tính, văn hóa, giáo dục, môi trường, xã hội ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình phát triển của trẻ. Đây là giai đoạn trẻ dễ gặp các vấn đề về tâm lý như trẻ bắt đầu xuất hiện tình cảm khác giới, tâm trạng dễ thay đổi, dễ xúc động, lo âu hay cáu giận, chống đối. Trẻ thích tự chủ và làm theo ý mình nên đôi khi chế độ khá đơn điệu và ưa thích những thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, nước ngọt, trà sữa,…Những thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng thấp, không đảm bảo chất lượng, nhiều đường hóa học và chất béo bão hòa sẽ tăng nguy cơ béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh lý tim mạch hay rối loạn tiêu hóa,…ở trẻ. Bên cạnh đó, đây là thời gian trẻ phát triển chiều cao vượt trội và tăng cường sự tư duy cho học tập. Giai đoạn này, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý chế độ dinh dưỡng của trẻ, phải đảm bảo đầy đủ các nhóm chất, vitamin và khoáng chất, trong đó những thực phẩm hỗ trợ phát triển cơ xương, trí não cần được chú trọng. Nhu cầu canxi lứa tuổi này khoảng 1g/ngày.
Trên đây là bài viết chia sẻ về dinh dưỡng cho trẻ em theo từng mốc tăng trưởng cụ thể. Qua đó, quý phụ huynh có thể hiểu được sự thay đổi từng ngày của con trẻ và biết cách cung cấp dinh dưỡng phù hợp hơn cho con. Nếu có những thắc mắc liên quan đến vấn đề chăm sóc trẻ, tập ăn dặm cho trẻ hoặc cần tư vấn dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng hay béo phì. Nguồn tài liệu:
Thời kỳ phát triển của trẻ, Nhi Khoa, ĐH Y Dược TP.HCM, 2020
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1-3 tuổi | Vinmec

CKI Thạch Ngọc Anh Thư – Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng

Đăng ký theo dõi
Thông báo về

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem toàn bộ bình luận