Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương.
Cong vẹo cột sống là gì?
Cong vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong quá mức sinh lý bình thường ở đoạn cổ, đoạn ngực hoặc thắt lưng. Khi đoạn cổ bị uốn cong quá mức, đầu sẽ ngả về trước, hai vai chùng xuống và giảm độ cong thắt lưng (tư thế vai so). Nếu đoạn ngực bị uốn cong quá mức về phía sau, lưng tròn, vai thấp, đầu hơi ngả, bụng nhô về phía trước (gọi là tư thế gù). Nếu đoạn thắt lưng bị uốn cong quá mức về phía trước, bụng xệ, phần trên của thân hơi ngả về phía sau (gọi là tư thế ưỡn).
Khi bị vẹo cột sống, nếu đỉnh đường cong hướng về bên phải thì cột sống có hình chữ C ngược, nếu đỉnh đường cong hướng về bên trái thì cột sống có hình chữ C thuận. Nếu cột sống có hai cung uốn cong đối xứng nhau thì nó sẽ có hình chữ S thuận hoặc chữ S ngược (còn gọi là vẹo cột sống bù trừ).
Tác hại nghiêm trọng của cong vẹo cột sống
Theo thống kê, vẹo cột sống chiếm khoảng 1- 4% dân số, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và ảnh hưởng nhiều đến trẻ em từ 10-18 tuổi. Cong cột sống thường gặp ở trẻ em 12-15 tuổi.
Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ em nữ khi trưởng thành.
- Vận động: Trẻ có thể bị hạn chế cúi lưng, nghiêng người sang bên, đi lại có thể bị lệch người.
- Hô hấp: Cong vẹo cột sống nặng có thể làm cho trẻ thở khó khăn hơn bình thường.
- Tâm lý: Trẻ, người lớn bị cong vẹo cột sống thường có cảm giác tự ti, xấu hổ, không mạnh dạn tham gia vào các hoạt động như vui chơi, học hành, thể dục thể thao, tìm kiếm việc làm và xây dựng gia đình.
- Việc làm: Người lớn bị cong vẹo cột sống có thể gặp khó khăn trong kiếm việc làm do hình thức và chức năng vận động bị hạn chế nên khó được chấp nhận.
- Xã hội: Trẻ em và người lớn bị cong vẹo cột sống thường bị bạn bè, người xung quanh chế nhạo.
- Tốn kém: Chi phí điều trị cho các bệnh nhân bị cong vẹo cột sống rất tốn kém, đặc biệt là những bệnh nhân cần phải phẫu thuật chỉnh hình.
Nhận biết cong vẹo cột sống?
Trong trường hợp bị vẹo cột sống, có thể nhìn thấy những bất thường như:
- Các gai đốt sống không thẳng hàng
- Hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp
- Xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau
- Hai tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp
- Mào chậu bên thấp bên cao
- Hai thăn lưng mất cân đối hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoáy vặn, xương sườn lồi lên.
Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống.
Nguyên nhân cong vẹo cột sống
Căn nguyên
Vẹo cột sống bẩm sinh có căn nguyên từ sự bất thường trong quá trình phân chia các đốt sống, quá trình hình thành các đốt sống hay kết hợp cả hai trong thời kỳ bào thai.
Dị tật nửa đốt sống là một dạng bất thường trong quá trình hình thành thân đốt sống và là loại vẹo cột sống bẩm sinh thường gặp nhất. Dạng điển hình của dị tật này đốt sống chỉ có một phần thân đốt sống ở phía trước, một nửa cung sau và một cuống đốt sống ở phía sau. Sự bất thường về giải phẫu dẫn đến tình trạng mất cân bằng của cột sống khi trẻ phát triển gây nên vẹo cột sống.
Nếu đốt sống dị tật khu trú ở phía sau, ngoài biến dạng vẹo cột sống còn gây biến dạng gù cột sống nặng nề. Bệnh không được điều trị thường dẫn tới biến dạng cột sống tiến triển từ rất sớm 75% các trường hợp vẹo cột sống bẩm sinh có tiến triển biến dạng. Di tật nửa đốt sống là nguyên nhân phổ biến nhất gây gù, vẹo cột sống bẩm sinh.
Trường hợp dị tật khu trú ở vùng cột sống ngực có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng phổi. Trẻ có vẹo cột sống bẩm sinh ở vùng ngực thường bị bệnh lý tim phổi nặng nề và chết trước 20 tuổi. Quan điểm phẫu thuật sớm nắn chỉnh biến dạng đối với các loại dị tật đốt sống có nguy cơ tiến triển biến dạng đã được chấp nhận rộng rãi.
Một số nguyên nhân khác
Do bệnh hệ thần kinh: U xơ thần kinh, bại não, bại liệt, viêm đa rễ thần kinh, bệnh tủy sống.
Cong vẹo cột sống ở tuổi học sinh có thể phát sinh do ngồi sai tư thế vì bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, chiếu sáng bàn học kém, mang cặp sách quá nặng về một bên vai.
Điều trị cong vẹo cột sống
Phẫu thuật
Việc điều trị vẹo cột sống dựa chủ yếu vào góc vẹo cột sống. Nếu góc vẹo nhỏ, dưới 40 độ, bệnh nhân có thể dùng áo chỉnh hình và theo dõi sát. Nhưng khi góc vẹo lớn hơn 40 độ thì phải được phẫu thuật chỉnh hình.
Cột sống gồm các đốt sống liên kết với nhau, trong đốt sống có hệ thống dây thần kinh để chỉ đạo hoạt động cơ thể. Khi phẫu thuật điều lo ngại nhất là làm tổn hại thần kinh, gây biến chứng liệt. “Trong quá trình phẫu thuật cột sống, chỉ cần sai lệch 1-2 mm có thể khiến cho bệnh nhận bị liệt, tàn phế suốt đời” – Theo TS.BS Hoàng Gia Du – Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, bệnh viện Bạch Mai.
Nếu vẹo 50 – 60 độ, các chức năng hô hấp và tim mạch sẽ bị ảnh hưởng. Ở các em gái, nó còn gây khó khăn cho việc sinh nở sau này.
Video mô tả về phẫu thuật vẹo cột sống
Điều trị cong vẹo cột sống là một quá trình phức tạp cần có sự kết hợp giữa việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa và việc luyện tập hằng ngày để nắn chỉnh tư thế đúng. Tình trạng cong vẹo cột sống có thể được cải thiện nếu được can thiệp sớm và kiên trì theo sự hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng.
Ngoài ra, chứng vẹo cột sống thường kèm thêm nhiều bệnh khác như sa ruột, sa dạ dày, chân vòng kiềng, chân chữ X, bàn chân bẹt, bẹp lồng ngực, méo xương chậu… Các bài tập vận động dưới đây có thể tiến hành cho trẻ cong vẹo cột sống ở mọi lứa tuổi và mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Các bài tập điều trị cong vẹo cột sống
Bài tập 1: Kéo dãn cơ bên lõm của đường cong ở tư thế nằm sấp
Mục tiêu: Kéo dãn các nhóm cơ phía lõm của đường cong thắt lưng.
Tư thế trẻ: Nằm sấp.
Tiến hành
- Trẻ bám tay bên vai thấp vào mép giường. Ta nâng hai chân, hông trẻ đưa sang phía đối diện với bên lõm của cột sống thắt lưng. Làm 10 lần.
- Trẻ bám tay bên vai thấp vào thành giường nâng người lên, tay kia kéo người về phía chân. Giữ tư thế này vài giây. Làm 10 lần.
Bài tập 2: Tăng tầm vận động của cột sống lưng ở tư thế ngồi
Mục tiêu: Tăng tầm vận động gập của cột sống lưng, kéo dãn nhóm cơ duỗi lưng.
Tư thế trẻ: Ngồi 2 chân duỗi thẳng và áp sát, 2 tay đưa ra phía trước.
Tiến hành: Bảo trẻ đưa hai tay ra trước chạm các ngón, lưng gập. Giữ ở tư thế này vài giây. Làm 10 lần.
Bài tập 3: Chỉnh cong vẹo cột sống ở tư thế ngồi
Mục tiêu: Kéo dãn các cơ bên lõm của đường cong, tăng cường độ mềm dẻo của cột sống.
Tư thế trẻ: Ngồi trên ghế.
Tiến hành: Làm mỗi bài tập 10 lần.
- Trẻ xoay người với đồ vật ở bên đối diện với phía lõm của đường cong cột sống.
- Trẻ giơ cao tay bên vai thấp, tay bên kia bám vào mép ghế. Giữ ở tư thế này vài giây.
Bài tập 4: Chỉnh cong vẹo cột sống ở tư thế quỳ bốn điểm
Mục tiêu: Tăng cường độ mềm dẻo của cột sống.
Tư thế trẻ: Quỳ bốn điểm.
Tiến hành: Đưa tay bên lõm của đường cong lên phía trước. Đưa chân bên đối diện lên theo trong lúc giữ nguyên vị trí thân mình. Giữ ở tư thế này vài giây. Làm 10 lần.
Bài tập 5: Chỉnh cong vẹo cột sống ở tư thế đứng
Mục tiêu: Kéo dãn các cơ bên lõm của đường cong, tăng cường độ mềm dẻo của cột sống.
Tư thế trẻ: Đứng thẳng.
Tiến hành: Tay bên vai thấp bám vào xà ngang kéo người lên. Vai bên đối diện hạ thấp xuống. Giữ ở tư thế này vài giây. Làm 10 lần.
Bài tập 6: Bài tập tăng cường nhóm cơ lưng bài tập chữa vẹo cột sống
Tư thế ban đầu: Ngồi theo kiểu thiền Ấn Độ
Thực hiện: giữ một trái bóng trên đầu, nâng thẳng lên. Lưu ý: bạn nên chắc chắn khuỷ tay bạn chạm vào tường. Làm vài lần.
Bài tập 7: Tập thở sâu
Mục tiêu: Tăng cường độ giãn nở của lồng ngực.
Tư thế trẻ: Nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Hai tay bệnh nhân đặt dưới cơ hoành.
Tiến hành: Trẻ hít sâu vào và thở ra từ từ. Làm 10 lần.
Bài tập 8: Tập bơi
Bơi là môn thể thao có khả năng chữa được nhiều bệnh liên quan đến xương, khớp cũng như các chứng như thoái hóa cột sống hoặc lệch, cong vẹo cột sống… Nếu tình trạng vẹo cột sống của bạn bị nhẹ thì kiên trì tập bơi có thể chữa được bệnh.
Bài tập 9: Nằm ngồi mang vác chuẩn tư thế
Người bệnh thường xuyên nằm trên giường cứng, dùng chiếc gối kê vùng bị vẹo để lấy tư thế chuẩn.
Bài tập 10: Kéo giãn
Dùng ghế cong để kéo giãn cột sống. Người bệnh nằm trên ghế, thả lỏng người xuống, đầu hướng về phía đất, thực hiện ở 2 tư thế sau:
Tư thế 1: Để 2 tay vắt sau gáy, 2 chân duỗi thẳng lên tay ghế, người nằm xuống, dùng lực nâng người lên khoảng 10 lần, sau đó nghiêng người sang bên trái, phải mỗi bên 15 lần.
Tư thế thứ 2: Người bệnh ngồi lên ghế, 2 chân vắt vào 2 tay ghế làm điểm tựa, 2 tay vắt sau gáy dùng lực kéo người từ tư thế nằm sang ngồi. Rồi nghiêng đầu, mình sang bên trái và phải 15 lần.
Bài tập 11: Tư thế đứng luyện cho khung chậu và cột sống
Bước 1: Đứng thẳng để cho đầu, vai và lưng dựa vào tường, gót chân cách tường 3 inch
Bước 2: thư giãn đầu gối và cong vùng xương chậu
Bước 3: Di chuyển qua lại nhưng vẫn giữ độ cong. Cố gắng tập luyện để tạo thành thói quen mà không cần sử dụng tường.
Mẹo chữa cong vẹo cột sống
Ngoài 10 bài tập trên, chúng tôi còn đưa ra còn 2 phương pháp để các bạn tham khảo nhé!
Phương pháp chườm
Người bệnh nằm trên giường, dùng 2kg muối rang nóng, khô cho vào gối kê vào chỗ vẹo để mục đích làm giãn cơ, không đau. Cứ làm như vậy liên tục và mỗi ngày lại lấy muối ra rang lại. Không nên dùng phương pháp chườm ngải cứu, cúc tần, bởi những vị thuốc này nằm lên dễ ướt, sinh vi khuẩn.
Xoa thuốc thảo dược
Sau khi người bệnh tập tất cả các động tác trên thì dùng phương pháp xoa bóp. Nguyên liệu dầu xoa gồm: Hồi, quế, địa liền, hạt gấc, huyết giáp, khúc khắc, dầu long não, tinh dầu bạc hà. Mỗi thứ 10g/1 lít cồn, ngâm khoảng nửa tháng, rồi xoa thường xuyên ngày 2 lần lên bên vẹo cột sống.
Dùng áo nẹp cột sống
Mục tiêu: Nắn chỉnh đường cong và phòng ngừa cong vẹo cột sống tiến triển xấu đi.
Chỉ định:
− Trẻ trai <18 tuổi và trẻ gái <17 tuổi bị cong vẹo cột sống mức độ trung bình và nặng có thể mặc áo nẹp cột sống.
− Khám lại 6 tháng/lần có chụp X-quang kiểm tra. Áo nẹp cột sống không dùng cho người cong vẹo cột sống đã trưởng thành (trên 22 – 25 tuổi), cũng như người bị cong vẹo cột sống trên 60o (vì không có tác dụng).
Phòng ngừa cong vẹo cột sống
- Để phòng ngừa cong vẹo cột sống trước hết cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.
- Cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin.
- Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng. Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho các em học sinh để đảm bảo ánh sáng tốt hơn. Cần thực hiện giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học.
- Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.
- Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và điều trị kịp thời.