Các tư thế đúng khi chăm sóc hằng ngày của gia đình trẻ bại não

Trẻ bại não có khó khăn trong tất cả mọi mặt, trương lực cơ bất bình thường sẽ dẫn đến tư thế bất thường. Vì vậy, việc chăm sóc tư thế hằng ngày như cách bế ẵm, tư thế nằm, ngồi…sẽ ngăn ngừa được các biến dạng về xương khớp, giúp trẻ tuần hoàn tốt hơn, góp phần cải thiện chức năng vận động của trẻ. Các trẻ khi đến bệnh viện hoặc có các KTV đến nhà tập luyện thường sẽ được các KTV luyện tập với các kỹ thuật phù hợp nhưng vấn đề về việc tư vấn cách đề phòng, các tư thế đúng thì chưa được chú trọng.

Nếu bé có vấn đề về co cứng, bạn nên tìm hiểu về bài viết Trẻ bại não thể co cứng để biết về phương pháp điều trị hiệu quả nhé!

Ví dụ về 1 số tư thế bất thường

Khớp cổ tay, khớp khuỷu luôn gập có thể dẫn đến co rút gập (cơ bị ngắn lại) và trẻ không có khả năng duỗi thẳng cánh tay và bàn tay.

Bàn chân luôn ở tư thế bàn chân thuổng có thể dẫn đến co rút gây hạn chế tầm vận động, điều này làm cho trẻ gặp khó khăn hơn trong việc tắm rửa, giặt giũ và đi vệ sinh.

Tư thế xoắn vặn có thể dẫn đến cong vẹo cột sống và lệch khung chậu. Nếu đầu luôn nghiêng gập về một bên cổ có thể trở nên vẹo vĩnh viễn.

Nếu một trẻ bại não có khả năng bị co rút hoặc bắt đầu bị co rút, hãy cố gắng đặt trẻ ở tư thế khớp bị tổn thương được kéo dãn. Tìm các cách để thực hiện điều đó qua các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày: nằm, ngồi, bế ẵm, vui chơi, học hành, tắm rửa, vận động…

Bất cứ khi nào có thể, phải để trẻ ở tư thế nào có tác dụng phòng ngừa chứ không phải là gây nên những biến dạng trên. Bất cứ khi trẻ đang làm gì (nằm, ngồi, bò, đứng) hãy cố gắng khuyến khích trẻ ở tư thế sao cho:

  • Đầu của trẻ giữ thẳng.
  • Thân mình ở tư thế thẳng (không gập, không cong, cũng không xoắn vặn).
  • Cả hai cánh tay duỗi thẳng và tách ra khỏi thân mình và đều được sử dụng ở phía trước mặt trẻ.
  • Trẻ dồn trọng lượng đều sang hai bên cơ thể xuống hai khớp háng, gối và hai bàn chân hoặc hai bàn tay.

Chú ý: Không nên để trẻ ở một tư thế nào đó trong nhiều giờ đồng hồ vì có thể trẻ sẽ dần dần trở nên co cứng trong tư thế đó. Nên luôn luôn thay đổi vị trí của trẻ. Tốt hơn nên động viên trẻ tự thay đỏi tư thế. Nếu trẻ có thể tự thay đổi tư thế của mình được thì ki đó ghế ngồi và dụng cụ khác phải không gây hạn chế sự vận động.

Dùng các dụng cụ trợ giúp làm hạn chế sự vận động của trẻ càng ít càng tốt.

Các trẻ khi đến bệnh viện hoặc có các KTV đến nhà tập luyện thường sẽ được các Trung tâm hướng dẫn các vị phụ huynh 1 số tư thế đúng sau:

1. Tư thế ngồi

1.1. Tư thế ngồi đúng trên ghế

Đầu hơi hướng về phía trước.
Lưng thẳng, ngồi không lệch sang một bên, hông phải chạm vào thành sau của ghế.
Gối gập vuông góc.
Chân hơi dạng.
Lòng bàn chân đặt trên sàn hoặc được trợ giúp bằng một nẹp bàn chân.

1.2. Tư thế ngồi đúng trên sàn

Ngồi trên diện rộng.
Lưng duỗi thẳng.
Ngồi khoanh chân giúp khớp háng xoay ra ngoài
Trẻ có khả năng thăng bằng kém (bại não, bại liệt hay các dạng tàn tật khác) thường ngồi hai chân bắt ngược ra sau (hình chữ W) để khỏi ngã. Đây là cách ngồi có thể gây biến dạng, tổn thương hoặc trật khớp háng, gối vì vậy không nên khuyến khích trẻ ngồi ở tư thế này. Tuy nhiên, nếu đây là cách duy nhất mà trẻ có thể ngồi được và sử dụng được hai bàn tay thì có thể cho phép trẻ ngồi theo kiểu này.

2. Tư thế nằm với trẻ bại não thể co cứng

Nếu hai chân trẻ hay bắt chéo, hai gối chụm vào nhau: Có thê dùng khố đóng để tách hai chân trẻ ra.
Nếu trẻ thưỡng ưỡn ra sau: Hãy đặt trẻ nằm nghiêng có lót gối giữa 2 chân, vai và tay trẻ hướng ra trước, hoặc cho trẻ nằm võng.
Nếu đầu trẻ luôn quay sang một bên: Hãy đặt trẻ nằm ở tư thế để nó có thể quay đầu về hướng ngược lại khi quan sát các sự việc đang xảy ra.
Nếu trẻ không đủ khả năng để kiểm soát thân mình ở tư thế nằm sấp: Hãy đặt trẻ ở tư thế nằm sấp có lót gối dưới ngực sao cho trẻ có thể nâng đầu lên bằng cách chống hai tay xuống.

3. Tư thế lẫy và xoay người

Trẻ bại não thường bị co cứng khi nó bắt đầu xoay và lật người. Tuy nhiên động tác xoay người rất cần thiết để trẻ tập đi. Lẫy cũng giúp trẻ phát triển khả năng xoay người.
Nếu trẻ bị co cứng, lúc đầu ta có thể giúp trẻ giảm sự co cứng bằng cách đưa đẩy chân trẻ ra sau và ra trước sau đó giúp trẻ tập xoay người và lẫy. Tìm ra trò chơi sao cho trẻ muốn xoay người và tự xoay người.

4. Tư thế đứng

Nhiều trẻ bại não thường đứng và đi theo những tư thế kỳ lạ. Khả năng thằng bằng kém của trẻ bại não làm tăng thêm sự co cứng ở một số cơ nhất định nào đó làm cho trẻ thăng bằng khó hơn.

Kết quả của việc trẻ đứng ở tư thế còng có thể dẫn đến co rút và biến dạng. Khi giúp trẻ giữ thăng bằng thì trẻ đỡ căng thẳng hơn và trẻ có thể đứng thẳng hơn.

Đối với trẻ chưa đứng được một mình có thể đặt trẻ vào một cái khung tập đứng khoảng 1- 2 giờ mỗi ngày. Đối với những trẻ không có khả năng đứng và đi một mình, việc đứng trong khung giúp trẻ phòng ngừa biến dạng, phát triển xương chân và khỏe cơ. Bắt đầu cho trẻ đứng trong khung khi trẻ ở vào lứa tuổi mà trẻ bình thường bắt đầu biết đứng (khoảng 1 tuổi).

Đăng ký theo dõi
Thông báo về

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem toàn bộ bình luận